Mô hình giáo dục khai phóng phát huy tối đa tiềm năng học sinh

16/06/2023 256

Theo giáo sư Đại học Arkansas, Mỹ, với giáo dục khai phóng, học sinh được tự quyết định chương trình học phù hợp với tiềm năng của bản thân.

“Giáo dục khai phóng” (liberal art college) là mô hình giáo dục của Mỹ, được áp dụng rộng rãi ở châu Âu và nhiều quốc gia châu Á.

Giáo dục khai phóng nhằm tạo ra con người tự do. Hiệp hội các trường và viện đại học Mỹ (Association of American Colleges and Universities) mô tả giáo dục khai phóng là “một triết lý giáo dục cung cấp cho các cá nhân một nền tảng kiến thức rộng, những kỹ năng có thể chuyển đổi được, một cảm nhận mạnh mẽ về các giá trị, đạo đức và sự can dự vào đời sống công dân… 

Phạm vi của giáo dục khai phóng thường mang tính đa nguyên và toàn cầu. Nó có thể bao gồm một chương trình học giáo dục tổng quát cung cấp cơ hội tiếp cận nhiều lĩnh vực học thuật và nhiều chiến lược học tập, bên cạnh chương trình học chuyên sâu trong ít nhất một lĩnh vực học thuật nào đó.

Giáo sư Randall Woods (Đại học Arkansas, Mỹ) cho rằng, một trong những điểm mạnh của một nền giáo dục khai phóng là học sinh, sinh viên được trao quyền tự do thiết kế và quyết định chương trình học phù hợp với tiềm năng của bản thân.

Mô hình giáo dục khai phóng cho phép thầy trò chủ động, tích cực và sáng tạo để học hỏi và khám phá tri thức.

Mô hình giáo dục khai phóng cho phép thầy trò chủ động, tích cực và sáng tạo để học hỏi và khám phá tri thức.

Theo đó, giáo dục khai phóng tôn trọng sự chủ động, tích cực của người học, trong đó, giáo viên luôn khuyến khích, gợi mở cho học sinh sáng tạo và trường học sẽ là nơi có trách nhiệm trong việc đầu tư tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh tự học, tự nghiên cứu.

Trong mô hình trường học của nền giáo dục khai phóng, người giáo viên phải cho học sinh thấy được đa dạng phương án, các giải pháp cho một vấn đề. Nhà trường phải cung cấp và giới thiệu cho học sinh nhiều nguồn tài liệu và nhiều cách tiếp cận khác nhau cho một đề tài đang được quan tâm nhằm giúp học sinh bản lĩnh, tự tin đứng vững trước nhiều tình huống phát sinh trong cuộc sống.

Theo đánh giá của ông Peter Gittins – Chuyên gia giáo dục quốc tế từng có 7 năm cộng tác tại Hội đồng các trường Quốc tế (CIS), đồng thời là Giám đốc Giáo vụ Hệ thống trường Song ngữ Quốc tế EMASI và Hiệu trưởng trường Quốc tế Renaissance Sài Gòn, xã hội ngày nay là thế giới của khoa học công nghệ. Công nghệ phát triển nhanh đến mức mà những gì học sinh đang làm lúc này sẽ có thể biến mất trong tương lai. Thực tế này đặt ra những đòi hỏi về sự thấu hiểu toàn cầu ở đa lĩnh vực (khoa học kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật, khoa học xã hội, thể thao…), vững các kỹ năng quan trọng (làm việc nhóm, sáng tạo, giao tiếp, phản biện và tiếp thu thông tin), nhất là khả năng thành thạo tiếng Anh cùng CNTT.

Vì vậy, cũng theo ông Peter, Giáo dục Khai phóng giúp nhà trường đảm bảo vai trò đào tạo ra những con người mới đáp ứng cho xã hội hiện đại thông qua khả năng xây dựng nên thế hệ học sinh biết, hiểu, vận dụng, phân tích tổng hợp, phát triển suy luận, phản biện và sáng tạo để làm chủ công nghệ, kiến thức mới.

3 yếu tố tạo nên người giáo viên sáng tạo của mô hình giáo dục khai phóng

Tại ngày hội Giáo dục Khai phóng tổ chức tại Đại học Sư phạm TP HCM ngày 23/4, Tiến sĩ Huỳnh Công Minh – Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM chia sẻ 3 yếu tố tạo nên người giáo viên sáng tạo của mô hình giáo dục khai phóng. Đó là cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường hiện đại và đầy đủ nhằm phục vụ cho mọi nhu cầu của hoạt động sư phạm; năng lực chuyên môn và tâm huyết của lực lượng sư phạm được trau dồi liên tục suốt quá trình công tác; triết lý giáo dục và cơ chế quản lý nhà trường hỗ trợ toàn diện cho sự sáng tạo và phát triển của đội ngũ giáo viên.

Thế Đan 

Nguồn : https://vnexpress.net/mo-hinh-giao-duc-khai-phong-phat-huy-toi-da-tiem-nang-hoc-sinh-3914957.html

Bản đồ SBBE
Những dự án và nghiên cứu của chúng tôi.
Khám phá ngay